1. Công nghệ thông tin là gì?
Khái niệm: Công nghệ thông tin (CNTT) hiểu theo nghĩa rộng và tổng quát nhất là việc sử dụng các công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền dẫn thông tin. Có nhiều cách phân loại các chuyên ngành học CNTT nhưng theo chuẩn ACM của Mỹ thì bậc học đại học CNTT được chia làm 5 chuyên ngành là:
Khoa học máy tính (Computer Science): thiên về các lý thuyết cơ bản của ngành CNTT như lý thuyết tính toán, khoa học vật liệu, lý thuyết xử lý hình ảnh, âm thanh, lý thuyết khai thác cơ sở dữ liệu, …
Kỹ nghệ máy tính (Computer Technology): thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính.
Kỹ nghệ phần mềm (Software Technology): lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ, ngôn ngữ lập trình.
Hệ thống thông tin (Information System): lý thuyết và ứng dụng CNTT trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức.
Ứng dụng CNTT (Information Technology): ứng dụng và triển khai CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.
Mỗi ngành chính lại có thể chia ra một số hướng hẹp hơn như trong Kỹ nghệ phần mềm có thể có hướng chuyên sâu về phần mềm nhúng, về các hệ thống phân tán…
2. Những tố chất khi theo học ngành CNTT
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT, sự thành đạt trong ngành CNTT không phụ thuộc nhiều vào bằng cấp. Có thể lấy ngay ví dụ về các ông chủ của hãng phần mềm nổi tiếng thế giới như Microsoft, Apple... đều không phải được đào tạo từ "lò" CNTT. Ngay ở Việt Nam, nhiều người thành công trong lĩnh vực IT nhưng lại không phải là cử nhân hay kỹ sư CNTT, trong khi đó, nhiều người được đào tạo khá bài bản nhưng khi tốt nghiệp lại phải… chuyển nghề.
Học CNTT không phải là một ngành học có thể chạy theo “mốt” mà nó đòi hỏi người học phải có niềm đam mê và khả năng tư duy tốt. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam trong những năm tới là rất lớn, nhưng đòi hỏi phải có chất lượng cao. Yêu cầu đầu tiên khi tuyển dụng của ngành CNTT là sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ cộng với khả năng cập nhật công nghệ và có những kỹ năng cá nhân và chuyên môn.
Các bạn học sinh phải nhận thức được rằng, không phải ai theo học CNTT cũng có thể kiếm được việc làm đúng nghề, đúng chuyên ngành được đào tạo. Chỉ có người có khả năng (kỹ thuật, ngoại ngữ) mới có công việc tốt.
Điều đầu tiên để theo học ngành CNTT là bạn cần có trình độ Toán xuất sắc và đầu óc tư duy tốt.
Ngoại ngữ cũng là điều bắt buộc khi theo học CNTT, nhưng nếu bạn chưa biết hay còn rất yếu về ngoại ngữ thì cũng đừng nên lấy đó là rào cản cho niềm say mê của mình. Ví dụ như tại ĐH FPT, những sinh viên chưa biết ngoại ngữ sẽ được đào tạo qua nhiều mức độ ngoại ngữ cho đến mức có thể theo học được. Vì vậy, bạn hãy trau dồi vốn Tiếng Anh của mình bởi môn học này rất cần thiết khi học tin học. Có học tốt ngoại ngữ thì mới có khả năng đọc tài liệu tin học bằng tiếng Anh và mới có khả năng nghiên cứu tin học.
Nguồn: Internet